Người Thầy tài năng, có tâm, có tầm
TS. PHẠM ĐÌNH CHI – Trưởng khoa Xã hội học – Truyền thông
Những năm 90 của thế kỷ trước, trong một dịp khai giảng năm học mới, tôi có duyên gặp thầy Cao Văn Phường ở Trường Đại học Mở – Bán công TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh), khi ấy Thầy là Hiệu trưởng của trường này. Phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới, Thầy dẫn câu nói của Bác Hồ: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", rồi Thầy trích dẫn Hiến pháp năm 1992 – đạo luật cao nhất của Nhà nước, ghi rõ: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giầu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Phát biểu trước bá quan văn võ, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thầy nói, học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình,...
GS.VS Cao văn Phường - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bình Dương
Ngày ấy, học sinh cả nước, ai muốn vào đại học phải đạt điểm chuẩn trong kỳ thi tuyển sinh Quốc gia (cả nước thi chung một đề, thi các môn cùng ngày quy định), rất tốn kém. Ở trường Đại học Mở – Bán công (do Thầy làm Hiệu trưởng) thì chỉ xét tuyển từ học bạ, không phải thi tập trung, không gây tốn kém cho phụ huynh. Với hình thức xét tuyển ấy, vào thời điểm ấy, ai cũng lo ngại về chất lượng đào tạo. Còn với Thầy, Thầy rất tự tin. Thầy dốc hết lòng lo cho chất lượng giáo dục. Thầy nói, “muốn có học trò giỏi thì phải có thầy giỏi” và Thầy đã mời rất nhiều tri thức lớn, là các Thầy, Cô có uy tín chuyên môn từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh về dạy cho sinh viên Đại học Mở – Bán công TP. Hồ Chí Minh. Ngồi tâm sự với tôi, thầy Vũ Thế Phú (lãnh đạo Khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh lúc ấy), tâm sự: “Tôi sinh sống ở Mỹ. Nghe thuyết phục của Thầy Cao Văn Phường, tôi đã về Việt Nam sống và dạy cho Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh, để cống hiến cho quê hương, đất nước mình, giúp người trẻ có tri thức để làm chủ đời mình, làm chủ tương lai,...” Tôi cũng có duyên gặp nhiều thầy tên tuổi lớn từ trước năm 1975 như Vũ Tam Tư, Trần Anh Tuấn, Lâm Võ Hoàng,... cũng đến dạy ở Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh theo lời mời của Thầy Hiệu trưởng Cao Văn Phường. Khi được hỏi, ai ai trong số những người tôi gặp tại Trường Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh ngày ấy, cũng nói với tôi về lý do đến với trường đại học này là do cảm kích tư tưởng “giáo dục mở”, tấm lòng “muốn giúp đỡ người khác, tạo điều kiện cho mọi người có nhu cầu học đại học đều có thể được học” của Thầy Cao Văn Phường. Tôi còn nhớ, GS.TS. Trần Chí Đáo (Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc ấy) đánh giá rất cao "mô hình" tuyển sinh “không qua thi quyển” (chỉ xét tuyển từ điểm ghi trong học bạ). Và, sau đó, chương trình “đào tạo từ xa” do các Thầy, Cô tên tuổi lớn, giảng dạy qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh giúp cho biết bao nhiêu con người ở xa TP. Hồ Chí Minh, ở xa các đô thị (không có điều kiện đi học đại học hệ Chính quy tập trung, học trực tiếp tại trường Đại học), có cơ hội được học đại học gián tiếp qua sóng phát thanh, truyền hình. Và với những tri thức được tích lũy, nhiều người đã có thêm cơ hội để cống hiến cho quê hương, đất nước. Có nhiều người trong số họ rất thành đạt, có người sau đó đã học Thạc sĩ và đỗ đạt học vị Tiến sĩ,…
Khi Đại học Mở – Bán công TP. Hồ Chí Minh phát triển rực rỡ nhất, Thầy rút lui, rồi về “hỗ trợ” cho Đại học Bình Dương. Khi ấy, Trường Đại học Bình Dương rất khó thu hút sinh viên, với tư cách là Hiệu trưởng, Thầy phát triển tư tưởng “giáo dục mở” ở ngôi trường này và điều đó đã giúp cho Trường Đại học Bình Dương phát triển rất mạnh. Khi ấy, với tư cách là “đầu tàu”, Thầy đã “kéo” cả một “đoàn tàu” là các nhà khoa học tên tuổi lớn từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… về với Trường Đại học Bình Dương. Và, cho đến hôm nay, tư tưởng “giáo dục mở” của Thầy Cao Văn Phường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo “làm theo”. Mô hình “giáo dục mở” của Thầy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo vận dụng để tuyển sinh “hai trong một” (lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển đại học), giảm thiểu đáng kể những chi phí thi tuyển sinh đại học tập trung rất tốn kém trước đó. Mô hình này đã được dư luận cả nước đồng tình ủng hộ.
Từ năm 1996 đến nay, tôi đã có 26 năm đứng lớp giảng dạy cho sinh viên đại học, học viên sau đại học của nhiều trường Đại học, Học viện tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tôi là thế hệ con cháu của Thầy Cao Văn Phường, vì ngưỡng mộ tài năng và tấm lòng luôn "sống vì mọi người”, "muốn cả xã hội học tập" của Thầy, mà tôi đến với Đại học Bình Dương. Từ năm 2008 đến nay, tôi giảng dạy ở trường Đại học Bình Dương với tất cả tấm lòng. Trong mỗi giờ giảng bài của tôi, với mỗi trang giáo án là cả một tấm lòng của tôi đối với sinh viên. Mỗi lời giảng của tôi trên lớp, tôi luôn mong muốn truyền đạt tất cả tri thức của tôi cho người học, muốn “trút” hết tất cả những hiểu biết, trí tuệ, kinh nghiệm của tôi cho sinh viên, học viên. Tôi luôn mong các em sinh viên, học viên của tôi, được học những tri thức xứng đáng với những đồng tiền học phí mà cha mẹ của các em chắt chiu bỏ ra để đóng học phí cho các em đi học và xứng đáng với công sức, thời gian mà các em đã bỏ ra để đến trường học, hiểu rõ bài giảng, nắm chắc kiến thức để tự tin bước vào đời trong tương lai gần.
Tự hào và biết ơn những Thầy, Cô giáo đã dạy dỗ tôi, đến lượt đứng trên bục giảng làm thầy giáo, tôi luôn tâm niệm sẽ sống xứng đáng với các Thầy, Cô giáo đã từng dạy tôi, tôi đã sống và làm việc hết sức, hết lòng vì nghề dạy học và vì mái trường thân yêu này. Tôi cũng thấy mình may mắn khi được cùng làm việc chung với Thầy Cao Văn Phường tại ngôi trường Đại học Bình Dương và trong đề án "nghiên cứu triển khai dự án nông thôn mới ở Cà Mau"... Và, tôi luôn coi việc giảng dạy tại Trường Đại học Bình Dương - nơi có người Thầy tên tuổi lớn - Cao Văn Phường (từng làm Hiệu trưởng và hiện là Chủ tịch Hội đồng trường) là một điều hạnh phúc...
Mới đó mà Trường Đại học Bình Dương đã một phần tư thế kỷ. Khoa Xã hội học mới đó mà đã 16 năm... Thời gian trôi đi nhanh quá! Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Đại học Bình Dương, tôi kính chúc quý Thầy, Cô trong Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động nhà trường luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công, cùng nhau đoàn kết để xây dựng Trường Đại học Bình Dương ngày càng phát triển vững mạnh! Xin trân trọng kính chúc Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Cao Văn Phường (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bình Dương) - Người Thầy ngoài giảng đường của tôi, người khai sinh nền "giáo dục mở" ở Việt Nam, luôn vui, khỏe, thành công và hạnh phúc!
Tôi rất ngưỡng mộ và tự hào về Thầy!
(Trích từ cuốn “Khoa Xã hội học – Truyền thông, Đại học Bình Dương – 16 năm nhìn lại và đi tới”).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn